Tài năng Ngô Chi Lan

Tương truyền, mỗi khi Thánh Tông hoàng đế có buổi đi du ngạn, hoặc dự yến tiệc ở bất cứ nơi đâu, Kim Hoa nữ học sĩ Ngô Chi Lan đều phải mang nghiên bút theo chầu hầu. Vì có biệt tài sáng tác rất nhanh, nên khi xuất khẩu, lúc phóng bút, ít khi bà phải sửa chữa, dù chỉ là một chữ[4].

Vịnh Thanh Dương môn

Có lần Hoàng đế đi dạo, dừng chân thưởng ngoạn tại Thanh Dương Môn, chợt thấy làn mây biếc là đà trên mái điện bèn sai quan thị tùng họ Nguyễn làm từ vịnh cảnh. Khi từ khúc Uyên ương dâng lên, Thánh Tông không vừa ý và truyền ngay nữ học sĩ họ Ngô làm bài khác. Ngô Chi Lan vâng mệnh rồi nhón tay thảo luôn một chương, trong đó có hai câu kết rất đắc vị.

Điện ngọc ngói mời mây biếc phủ;Cẩm Giang sóng lụa sắc hồng dâng;

Nghe xong, Thánh Tông lấy làm đắc ý, khen tài văn hay chữ tốt của nữ học sĩ nhà họ Phù, từ đó ban hiệu là Phù gia nữ học sĩ (苻家女學士), thưởng cho năm đĩnh huỳnh kim.

Đề Vệ Linh sơn

Đến một buổi tối, bà được Ngô Thái hậu cho tháp tùng du ngoạn trên núi Vệ Linh (tức núi Sóc, thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn ngày nay). Dạt dào trước sự tích đức Thánh Gióng, đệ nhị Tứ bất tử trên thần điện của người Việt, nữ sĩ cảm tác nên bài tứ tuyệt:

Nguyên văn chữ Hán題衛靈山衛靈春秋白雲閒萬紫千紅艷世間銕馬在天名在史英熊凜凜滿茳山Phiên âm:Đề Vệ Linh SơnVệ Linh cây cỏ lẫn mây ngànMuôn tía nghìn hồng đẹp thế gianNgựa sắt lên trời tên rạng sửAnh hùng mãi mãi với giang san

Bài thơ ra đời, ngay lập tức không những mọi người ở trong nội cung đều biết, mà còn lan truyền ra cả ngoài phố thị, ai cũng ca ngợi và xếp vào hạng tuyệt tác. Thánh Tông cũng ngỏ lời khen bà và ban tặng một cặp áo gấm màu lục, ngoài có phủ áo sa mỏng màu thiên thanh. Bài thơ đó nay vẫn được lưu giữ trong đền Sóc.

Bị dèm pha

Tên tuổi Phù gia nữ học sĩ Ngô Chi Lan ngày càng tỏa sáng, tiếng tăm ngày càng vang dội, khiến tao nhân mặc khách thời đó vô cùng kính nể. Nhưng, cũng chính vì tiếng tăm lừng lẫy đó, mà một số kẻ tiểu nhân đã ganh ghét, đố kỵ, đặt thơ giễu cợt mỉa mai, nhằm hạ danh giá của bà. Đặc biệt, mối quan hệ tri kỉ thân thiết của Ngô Chi Lan và vua Lê Thánh Tông thường bị đem ra châm biếm:

Quân vương ví phỏng cần tiêu muộnHãy gọi Kim Hoa học sĩ vào

Hoặc:

Tan tiệc lầu rồng thơ mệt tứ

Sáu canh chầu chực giấc nồng trưa.

Lại có câu tương tự

Lầu rồng, thơ cạn, tiệc tàn

Năm canh bảnh mắt còn khan giấc nồng.

Tất nhiên điều đó không bao giờ là sự thực, mặc dù Ngô Chi Lan và vua rất thân thiết, nhưng bà chưa từng trở thành phi tử của ông, họ chỉ dừng ở tình bằng hữu mà thôi. Những vần thơ vô danh khinh suất trên thực chất là có ý châm chọc và xuyên tạc về phẩm hạnh, thậm chí còn cho rằng vì Ngô Chi Lan hay được vào cung, lại được vua yêu quý, nên giữa hai người đã có quan hệ bất chính "màn loan giường ngự" trong khi Ngô Chi Lan đã có chồng. Điều đó đã làm cho bà vô cùng buồn rầu. Đã có lúc bà mượn giấc mộng để thổ lộ tâm tư tình cảm của mình với mọi người trong cung nội: "Bấy nay tôi chầu hầu Thuận đế, thi phụng tôn vương. Nghĩa cả là vua tôi, song vẫn còn tình thâm đồng tộc, lại vốn Ngô gia phép tắc; Phù gia trọng đạo. Thế mà lẽ nào trong giới thi văn lại có hạng đơn bạc, đặt giọng quàng xiên, tệ hại cho đành?".

Thuở ấy trong giới Tao đàn Nhị thập bát Tú, Nguyên súy Tao đàn là Lê Thánh Tông, ai ai cũng thông cảm với nỗi phiền muộn và uất ức của nữ học sĩ Chi Lan. Tiến sĩ Thái Thuận, tác giả của tập thơ Lữ Đường, cũng là Phó súy Tao đàn, đã lên tiếng khuyên giải bà, đại ý: "… Nào phải một mình phu nhân mới bị khốn vì ngòi bút trào lộng của những kẻ xú ác…, mà các bậc trinh liệt xưa nay đã thường bị những lời thơ khinh bạc trây bẩn, song nước Ngân Hà dễ gì khuấy cho nhơ, nên nữ học sĩ cũng chẳng cần bận tâm làm gì".

Chuyện đồn thổi thị phi về vợ và vua Lê Thánh Tông cũng đến tai Phù Thúc Hoành. Thấy Ngô Chi Lan bận việc trong cung lâu không về, ông tuy không tin những gì mà người ta nói nhưng cũng có chút ghen tuông và cũng lại dấy lên nỗi nhớ vợ da diết. Từ nhà, ông gửi thơ cho vợ với tiêu đề “Ý xưa”:

Hà diệp lục như cái

Hà hoa hồng tử nhan.

Trướng quân vị đắc kiến

Trì thương không bàn hoàn.

Nghĩa là:

Lá sen xanh như chiếc tán

Hoa sen hồng tựa má đào.

Nhớ người mà chưa được gặp

Ngẩn ngơ thơ thẩn bên ao.

Nhận được thơ của chồng, Ngô Chi Lan làm liền bốn bài tứ: “Xuân”; “Hạ”; “Thu”; “Đông” để hồi đáp. Trong đó bài Hạ (mùa hạ) được cho là hay nhất:

Gió rụng hoa lựu tơi bời

Trên du tha thướt dáng người giai nhân.

Oanh vàng ủ rũ thương xuân

Én đôi tiếc cảnh tần ngần trên cây.

Đừng làm rủ thấp đôi mày

Nương song hồn mộng xa bay cuối trời.

Cuối rèm ai cứ gọi hoài

Để hồn em chẳng được bay tới chàng.